Bộ Công Thương đừng vội vàng
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản góp ý với Bộ Công Thương về dự thảo đề án quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Cụ thể, VSA cho biết, theo dự thảo Luật quy hoạch đang được Chính phủ trình Quốc hội, các ngành kinh tế, trong đó có ngành thép, nhà nước sẽ không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng các luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật tiêu chuẩn và chất lượng, Luật bảo vệ môi trường…
Vì vậy quy hoạch này sẽ chỉ có tính tham khảo với doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư. Còn việc cấp phép đầu tư sẽ phải có ý kiến của các bộ ngành liên quan, chứ không riêng gì Bộ Công Thương.
Trao đổi với Đất Việt trước thông tin này, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, hoàn toàn đồng tình với những băn khoăn của Hiệp hội thép.
Theo TS Sơn, với những thông tin ông nắm được, nếu Luật quy hoạch đang lấy ý kiến qua 2 kỳ Quốc hội được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2018 thì nhà nước không quản lý ngành thép bằng quy hoạch nữa. Vì vậy, trong thời điểm này, Bộ Công Thương hay bất cứ cơ quan nào không nên đưa ra những quy hoạch chi tiết phát triển ngành thép.
“Tôi cho rằng Bộ Công Thương đang hơi vội vàng khi đưa ra quy hoạch thép Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo tôi nên để Quốc hội đưa ra những quyết định chính thức về Luật quy hoạch. Nếu việc quản lý ngành thép được thông qua bằng các Luật thì dự thảo trên không có tác dụng gì. Chúng ta không nên vội vàng”, TS Sơn khẳng định.
Đánh giá thêm về những con số và các dự án thép được đưa ra trong đề án quy hoạch ngành thép của Bộ Công Thương, vị chuyên gia cho biết cảm thấy rất bất ngờ.
Ông Sơn, đánh giá quy hoạch trước đây cũng như bây giờ của Bộ Công Thương chưa tính đến những thay đổi của thị trường thép bây giờ. Đặc biệt những sản phẩm mà Bộ Công Thương ưu tiên phát triển trong quy hoạch trong thời gian tới đều đang dư thừa trên thế giới.
“Chúng ta phải xác định được chi phí biên dài hạn trong một tấn thép thô của Việt Nam là bao nhiêu. Nếu thấp hơn của thế giới thì mới làm, còn nếu cao hơn thì không nên làm. Chúng ta đã vào WTO, TPP nên phải tính đến thị trường thép trên thế giới. Chúng ta làm ra không cạnh tranh được thì làm để làm gì? Thế giới đang thay đổi từng ngày nên việc đặt ra quy hoạch quá dài như vậy là không phù hợp.
Thứ hai, những tinh phẩm, sản phẩm sau luyện thép mới quan trọng. Ở đây là cán thép, đúc thép, đúc ra các kim loại, hợp kim mới cần thiết. Những sản phẩm này chúng ta nhập gần như 100 % và thị trường trong nước rất cần. Việc không được đưa vào quy hoạch là bất hợp lý và thiếu sót.
Còn thép như của Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch, tôi tin nếu tính đến thị trường thế giới hoàn toàn đổ bể”, TS Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS. TS Phùng Viết Ngư, Hội Khoa học kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương chờ đợi đến khi Luật quy hoạch được Quốc hội biểu quyết, đánh giá cuối cùng.
“Thị trường thép hiện nay không ổn định. Giá thép mỗi nơi một khác. Quy hoạch của nhà nước là một chuyện nhưng khi làm gặp rất nhiều khó khăn, không ai giải quyết được.
Việt Nam không phải là nước mạnh về xuất thép. Hơn nữa, nguồn tài nguyên khoáng sản của chúng ta cũng không nhiều, số lượng rất ít. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh nguyên liệu có nhiều nhưng rất khó khai thác. Nếu nhập từ nước ngoài về để tăng công suất thì sẽ rất đắt. Vì vậy Bộ Công Thương phải trả lời rõ những nghi vấn từ Hiệp hội thép. Ngoài ra cần phải đắn đo suy nghĩ về nguồn vốn, đầu tư, năng lực sản xuất... Nghiên cứu phải kỹ càng, không thể vội vàng được”, GS.TS Ngư nhấn mạnh.
Vị chuyên gia thừa nhận, quy hoạch thép hiện nay ở Việt Nam chưa được thống nhất và còn nhiều ý kiến. Việc đưa ra các số liệu dự báo sản lượng ngành thép cũng theo cảm tính chứ không có cơ sở thật sự rõ ràng.
“Có nơi dựa vào số lượng sản xuất thép của 1 số nước để đề quy phương án phát triển ngành thép của Việt Nam. Như vậy thì không thật sự chính xác vì mỗi quốc gia có 1 quan điểm phát triển khác nhau cũng như nguồn tài nguyên khác nhau.
Nhiều quốc gia hiện nay muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thép rồi để xuất khẩu. Việc này cũng không hề dễ dàng. Thực tế nhu cầu của Việt Nam chưa cao. Xuất ra nước ngoài thì không phải xuất ở đâu cũng được. Trong trường hợp có kỹ thuật, giá thành tương đối rẻ, quặng nhiều thì mới ăn thua. Hơn nữa sản lượng của Trung Quốc đang dư thừa rất nhiều. Nước ta đang đứng trước nguy cơ ngành gang thép nếu không tính toán cẩn thận thì khó phát triển được”, GS.TS Ngư nêu quan điểm.
Tại sao đưa thép Cà Ná vào quy hoạch?
Một điểm băn khoăn khác được TS Nguyễn Thành Sơn chỉ ra đó là việc Bộ Công Thương đưa dự án thép Cà Ná đang gây nhiều tranh cãi vào trong quy hoạch phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Theo TS Sơn, việc một dự án chưa được Quốc hội thông qua nhưng đã nằm trong quy hoạch thép là chưa phù hợp và phải xem xét lại việc này.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
0903 355 788